- Du lịch Indonesia
- 29/07/2014
- 1815 lượt xem
Đến Indonesia, du khách có thể dành thời gian ngắm bình minh trên đỉnh núi lửa Bromo và có thêm những trải nghiệm du lịch mới mẻ ở đất nước vạn đảo Indo.
Đến làng Cemoro Lawang, phía đông đảo Java, Indonesia bạn sẽ bắt gặp cảnh quan đặc biệt của cụm núi lửa vẫn đang âm ỉ cháy và cùng ngắm ánh bình mình trên miệng ngọn núi lửa Bromo.
Đây là nơi mà mọi người đến xứ sở vạn đảo này đều khao khát đặt chân, và đến đây bạn sẽ được đón ánh nắng một ngày mới trên đỉnh Penanjakan cao 2.770m và ngắm toàn cảnh quần thể núi lửa Tengger.
Sau lưng ngọn núi lửa Batok là Bromo, từng được bình chọn là một trong năm ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới. Đỉnh cao nhất phía xa là Semeru. Người Indonesia tin rằng hai ngọn núi lửa Semeru và Bromo là hai cánh cửa dẫn vào thế giới bí ẩn. Semeru là núi lửa cao nhất đảo Java (3.676m), trung bình cứ bốn năm lại phun nham thạch một lần. Còn Bromo mới đầu năm 2011 bất ngờ hoạt động trở lại, sự thức dậy đột ngột ấy đã làm hai du khách thiệt mạng và sân bay Bali phải đóng cửa vì tro bụi.
Chân trời rực lên những dãy màu cam tươi, đỏ, vàng, xám nhạt và sắc trắng xanh rực rỡ cứ chuyển đổi gam màu từng phút. Những tia nắng mặt trời đầu tiên rực rỡ từ phía sau các đỉnh núi ở phía đông. Bóng thay đổi xung quanh các miệng núi lửa. Lòng chảo Tengger đẹp huyền ảo, lộng lẫy như một thứ rượu làm người ta ngây ngất, lặng người và chỉ muốn được chạm vào mây trắng bồng bềnh kia, vào những khối núi như tạc như khắc kia.
Nắng ở đây như một thứ ánh sáng thanh khiết và kỳ ảo, vén tan biển mây trắng muốt để dần hiện ra biển cát xám mênh mông và ngôi đền của người Hindu Pura Luhur Poten.
Con đường hướng đi lên đỉnh Bromo tràn ngập dấu chân người và ngựa.Bạn có thể thuê những chú ngựa khoang trắng béo tốt để lên đỉnh núi đặc biệt này.
Trước khi lên Bromo, du khách sẽ đi ngang qua đền Pura Luhur Poten. Pura Luhur Poten cô quạnh đến não nề. Đây là nơi lễ hội Yadnya Kasada - lễ hội chính của người Tengger theo đạo Hindu - được tổ chức hằng năm. Lễ hội này kéo dài một tháng. Tới ngày thứ 14 của lễ hội, người Tengger hành lễ ở đền cho đến khi mặt trời đứng bóng rồi di chuyển lên núi lửa Bromo. Họ mang theo gạo, rau quả, gia súc... rồi thả vào lòng núi lửa để hiến tế thần linh. Đó là cách để tạ ơn các vị thần đã che chở và cho họ một cuộc sống sung túc.
Quay trở ra, bạn sẽ tiếp tục hành trình đến Bromo, được biết Bromo có nghĩa là thần của các thần, dù không phải là ngọn núi lửa cao nhất đảo Java nhưng lại nổi tiếng nhất bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của nó. Để lên đến đỉnh Bromo phải mất 30 phút cho đoạn đường núi dài 2km dốc tới 45 độ và vượt qua hơn 100 bậc thang đá, mà mỗi chiều chỉ rộng khoảng 0,5m.
Khi rời bậc thang cuối cùng, đặt chân lên miệng núi lửa, bạn sẽ tận mắt nhìn thấy “dung nhan” bên trong lòng núi là khoảnh khắc rất khó quên trong đời. Trên miệng núi lửa Bromo có một con đường nhỏ, rộng khoảng 1m.
Ở trên miệng núi lửa không khí rất mát mẻ. Khi đã lên tới đây, du khách thật sự không muốn xuống, họ chỉ muốn kéo dài mãi giây phút ấy để tận hưởng cảm giác vượt qua giới hạn của chính mình, tận hưởng cảm giác được thỏa thích ngắm nhìn, được thu vào tầm mắt vẻ hoành tráng, hùng vĩ, bao la của thiên nhiên.
Xem thêm
- Đến thăm 7 di sản văn hóa được UNESCO công nhận tại Indonesia - 12/6/2017 4:47:50 AM
- 9 lí do bạn nên đi du lịch Indonesia - 4/21/2017 8:54:51 AM
- Nasi campur - món cơm trộn thần thánh của Indonesia - 3/1/2017 4:07:30 AM
- 6 điều không nên làm khi đến Bali - 4/11/2016 3:19:56 AM
- Độc đáo điệu múa Saman của người Indonesia - 12/22/2015 2:41:12 AM
Khuyến mãi
Quy định Vietnam Airlines
Tin tức Vietnam Airlines
Cập nhật tin tức Vietnam Airlines mới nhất
- Vietnam Airlines đổi lịch bay cho học sinh sinh viên bị ảnh hưởng Virus nCoV miễn phí
- Ứng phó với virus Corona Vietnam Airlines điều chỉnh đường bay đến Trung Quốc
- Thông tin dịch vụ tự làm thủ tục hành lý tại kiosk của Vietnam Airlines
- Dịp Tết Canh Tý 2020 Vietnam Airlines tăng 11.000 chỗ
- Vietnam Airlines bố trí quầy làm thủ tục riêng cho chuyến bay Hà Nội – Hồ Chí Minh